Trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử và cuộc sống, những thế hệ người dân làng nón Đan Du (xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh) vẫn âm thầm “giữ lửa” cho nghề cũng như giữ gìn một phần “hồn” của nón lá Việt trên những đường may, mũi chỉ theo từng phiến lá nón.
Nhiều công đoạn làm hoàn toàn bằng thủ công nên làm nón lá rất tốn thời gian. Mỗi ngày, nếu dành nhiều thời gian, mỗi người chỉ có thể hoàn thành 1 - 2 chiếc nón trong khi giá bán không cao (trung bình mỗi chiếc giá từ 50 - 80 nghìn đồng, nón đặc biệt làm quà 150 nghìn đồng). Vì vậy, hiện nay, chỉ một số ít người làng Đan Du chọn nghề nón làm nghề chính, còn lại, đa phần người dân chỉ tranh thủ thời gian rãnh rỗi để làm nón. Dù thu nhập không cao nhưng nhiều “nghệ nhân” làng nón Đan Du vẫn coi những lá, vành, mũi may... là những thứ không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày.
Bà Võ Thị Ngoãn (thôn Trung Giang, xã Kỳ Thư) vẫn được nhiều người nhắc đến như một người may nón đẹp nhất làng.
Trong cái nắng bỏng rát của những trưa hè tháng sáu, bất cứ ai ghé qua đây đều có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bà, các chị, hay cả các em nhỏ đang thoăn thoắt làm nón lá, cười nói vui vẻ.
5 tuổi đã học làm nón, đến nay, ở tuổi 70 nhưng bà Võ Thị Ngoãn (thôn Trung Giang, xã Kỳ Thư) vẫn được nhiều người nhắc đến như một người may nón đẹp và chuyên nghiệp nhất làng. Để tạo nên một chiếc nón lá bền, đẹp, đòi hỏi những người thợ làm nón như bà Ngoãn phải có sự khéo léo của đôi bàn tay và có óc thẩm mỹ cao.
Lá nón được phơi khô, ủi phẳng trước khi đưa vào sử dụng, trong khi vành nón vót tròn, không được cong vênh.
Để làm được một chiếc nón phải qua nhiều công đoạn, từ mua sắm, sơ chế nguyên liệu, lên khuôn, may và hoàn thiện. Nguyên liệu làm nón chủ yếu là tre, đùng đình, sợi vọt, chỉ khâu.
Thông thường lá nón (lá đọt) được lấy từ rừng về có thể luộc qua hoặc vò bằng chân cho nhũn, đem phơi nắng thật khô, lá càng được nắng càng trắng, sau đó lại ủi cho thật phẳng. Tre và đùng đình được chẻ, vót tròn rồi uốn thành từng vành trước khi bó lại để phơi nắng rồi đưa lên khuôn. Chỉ khâu thường dùng bằng sợi của bẹ móc lấy ở rừng hoặc cước.
Khâu lấn chỉ và khéo léo giấu những nốt nối vào trong lòng chiếc nón lá để có được chiếc nón đẹp mắt.
“Nón lá Đan Du nổi tiếng là nón đẹp vì được may dày hơn. Khi may nón cũng phải chú ý một số kỹ thuật như may 16 vành trong đó 4 vành ngoài là tre, còn 12 vành trong là đùng đình để đỡ đau đầu khi sử dụng. May nón phải dùng 3 lớp lá gồm 2 lớp lá trắng và 1 lớp lá xanh ở giữa, luôn phải đảm bảo lá được chọn lọc kỹ càng. Với những chiếc nón đẹp, dùng làm quà biếu sẽ có giá cao hơn, tầm 150 nghìn đồng/chiếc” - bà Ngoãn chia sẻ.
Ông Võ Xuân Nam thành thục từng công đoạn để cho ra đời một chiếc nón lá.
Ở Kỳ Thư không chỉ phụ nữ biết làm nón mà ngay cả những người đàn ông cũng có thể chuốt vành, lên khung... thậm chí là luồn kim may nón uyển chuyển, khéo léo. Với đôi tay cứng cáp của người đàn ông, ông Võ Xuân Nam (thôn Trung Giang, xã Kỳ Thư) vẫn có thể thành thục từng công đoạn để cho ra đời một chiếc nón lá.
Ông Nam cho biết: “Người thợ khéo tay khi khâu nón thường là người có tài khâu lấn chỉ và khéo léo giấu những nốt nối vào trong lòng chiếc nón lá. Khi hoàn thiện sản phẩm thì phơi nón ở trong nhà cho mát mẻ. Với kỹ thuật may nón đều, khéo tay và tỉ mỉ như người làng Đan Du thì phải từ 5 - 6 tiếng mới làm được một chiếc nón. Còn nón cưới, nón đẹp hơn thì có khi phải mất tận 1 ngày”.
Những chiếc nón lá là món quà ý nghĩa đối với các bà, các mẹ,
Không chỉ đơn thuần là nơi sản xuất ra một sản phẩm thủ công truyền thống lâu đời mang tính đặc trưng, làng nghề nón Kỳ Thư còn là nơi lưu giữ những tinh hoa nghệ thuật dân gian, những kinh nghiệm sản xuất và phong tục tập quán của cộng đồng.
Những chiếc nón mộc mạc, duyên dáng làm say lòng người.
Chị Võ Thị Hiên - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kỳ Thư cho biết: Toàn xã có 215 hộ dân làm nghề nón, sản phẩm không chỉ phục vụ cho bà con nhân dân các vùng lân cận mà còn được mang đi tiêu thụ tại các tỉnh miền Nam và khu vực Tây Nguyên.
Hiện, địa phương đang có những kế hoạch cụ thể như tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, đầu tư vốn để mở rộng sản xuất. Đặc biệt, địa phương xem đây như là một di sản vật thể để truyền lại cho đời sau, đồng thời, tạo ra sự liên kết cộng đồng, hợp tác tương trợ của người tiêu dùng đối với sản phẩm nón lá Đan Du...