Hệ vi khuẩn đường ruột thay đổi, ô nhiễm không khí, vi nhựa, béo phì, uống rượu và tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến có thể là yếu tố nguy cơ gây ung thư ở người trẻ.
Tỷ lệ ung thư ở nhóm dân số trẻ đang tăng đáng báo động, đặc biệt ở độ tuổi từ 20 đến 40. Sự gia tăng bất ngờ này khiến cộng đồng y khoa bối rối và lo lắng, vì những người trẻ khỏe đáng lẽ phải mong đợi một tương lai tươi sáng thì giờ đây lại phải vật lộn với cuộc sống đã thay đổi hoàn toàn.
Các nhà nghiên cứu và chuyên gia y tế đang cố gắng tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả cho nhóm bệnh nhân ung thư mới nổi này. Đồng thời tìm hiểu lý do đằng sau tình trạng ung thư ngày càng gia tăng, cân nhắc những nguyên nhân tiềm ẩn.
Danh sách các nguyên nhân nghi ngờ gây ra sự gia tăng các ca ung thư bao gồm thay đổi trong hệ vi khuẩn đường ruột, ô nhiễm không khí, vi nhựa, béo phì, uống rượu và tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến, theo GloucestershireLive.
Các chuyên gia chỉ ra rằng đã có sự gia tăng các ca ung thư hệ tiêu hóa và sự thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột có thể đóng vai trò trong nguy cơ phát triển các bệnh này.
Bác sĩ lâm sàng hàng đầu của Cancer Research UK (CRUK) Charles Swanton chia sẻ trên tạp chí Sunday Times rằng: "8 trong số 12 loại ung thư đang trở nên phổ biến ở người dưới 50 tuổi có liên quan đến hệ tiêu hóa". Vị bác sĩ cũng cho biết ở Anh, tỷ lệ ung thư ruột ở những người dưới 50 tuổi đã tăng 50% kể từ giữa những năm 1990; tỷ lệ ung thư tuyến tụy và dạ dày cũng đang gia tăng.
Bên cạnh đó, các chất gây ung thư vật lý, chẳng hạn như tia cực tím và bức xạ ion hóa; chất gây ung thư hóa học, chẳng hạn như amiăng, vi nhựa, các thành phần của khói thuốc lá, rượu, aflatoxin (chất gây ô nhiễm thực phẩm) và asen (chất gây ô nhiễm nước uống); chất gây ung thư sinh học, chẳng hạn như nhiễm trùng từ một số virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng; thực phẩm siêu chế biến cũng là yếu tố nguy cơ.
Để phòng ngừa, bác sĩ khuyến cáo người dân có phương pháp giảm tất cả yếu tố nguy cơ. Ví dụ, gia đình có tiền sử mắc bệnh ung thư, các thành viên cần lưu ý thăm khám sàng lọc và tầm soát định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
Mọi người nên duy trì lối sống lành mạnh, tăng cường vận động và dinh dưỡng cân bằng. Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá cũng có thể giảm nguy cơ mắc bệnh. Tránh ăn nhiều mỡ, gia vị hay thức ăn bị mốc; tăng cường hoa quả, rau và các loại vitamin. Tiêm vaccine ngừa một số bệnh nhiễm trùng như viêm gan B, C và tiêm phòng HPV ngừa ung thư cổ tử cung.