UBND HUYỆN
KỲ ANH TRUNG TÂM ỨNG DỤNG KHKT & BVCTVN Số: 09/HD-TTƯD CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc Kỳ Anh, ngày 18 tháng 9 năm 2024 HƯỚNG DẪN Một số nội dung về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác tiêm vắc xin phòng bệnh gia súc, gia cầm đợt 2 năm 2024 Thực hiện Kế hoạch số 175/KH-UBND ngày 29/01/2024 của UBND huyện về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2024. Để tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đợt 2 đạt kết quả cao. Trung tâm ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện hướng dẫn một số nội dung về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác tiêm phòng cho vật nuôi đợt 2 năm 2024, như sau: 1. Nguyên tắc chung - Tổ chức rà soát số lượng đàn gia súc, gia cầm trong diện tiêm, đăng ký số lượng, chủng loại vắc xin tiêm phòng bằng văn bản gửi về Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi để đảm bảo cung ứng kịp thời, đầy đủ. - Xác định rõ đối tượng gia súc, gia cầm được tiêm phòng là gia súc, gia cầm khỏe mạnh của các hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi, trang trại chăn nuôi. - Thực hiện tốt yêu cầu về an toàn sinh học trong công tác tiêm phòng, tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. - Các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi trâu, bò, dê có số lượng, quy mô lớn cần chủ động thực hiện tiêm các loại vắc xin phòng bệnh theo quy định. Cán bộ thú y hướng dẫn, giám sát và cấp giấy chứng nhận tiêm phòng theo quy định. - Người trực tiếp tham gia tiêm phòng cần có chuyên môn nghiệp vụ thú y hoặc được tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật tiêm phòng nhằm đảm bảo chất lượng, tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh sau khi tiêm phòng. 2. Đối tượng tiêm phòng - Đối với đàn trâu, bò: Tiêm phòng bắt buộc các loại vắc xin Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng, Viêm da nổi cục cho trên 80% tổng đàn trâu, bò thuộc diện tiêm phòng. - Đối với đàn lợn: Tiêm phòng bắt buộc các loại vắc xin Tụ huyết trùng, Dịch tả lợn cổ điển, Lở mồm long móng (đối với lợn nái, đực giống); tiêm phòng đạt tỷ lệ cho trên 80% tổng đàn lợn thuộc diện tiêm phòng; khuyến khích người chăn nuôi tiêm phòng vắc xin Tai xanh cho đàn lợn nái, đực giống. - Đối với đàn gia cầm: Tiêm phòng bắt buộc các loại vắc xin Cúm gia cầm (thể độc lực cao) đối với gia cầm (gà, chim cút, vịt, ngan) và Niu-cát-xơn (gà, chim cút), Dịch tả vịt (vịt, ngan), tiêm phòng đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng. - Ngoài các loại vắc xin bắt buộc phải tiêm phòng định kỳ theo quy định, khuyến cáo người chăn nuôi chủ động tiêm các loại vắc xin phòng bệnh thường gặp, bệnh mới nổi cho động vật nuôi. 3. Thời gian tiêm phòng: Từ 18/9 đến ngày 30/10/2024. Ngoài đợt tiêm phòng chính, thường xuyên thực hiện tiêm phòng bổ sung cho gia súc, gia cầm thuộc diện phải tiêm phòng bắt buộc chưa được tiêm trong các đợt chính, số hết thời gian miễn dịch, số mới phát sinh. 4. Bảo quản, sử dụng vắc xin tiêm phòng - Sử dụng vắc xin theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, trước khi tiêm cần kiểm tra về chủng loại, số lô, ngày sản xuất, hạn sử dụng, bảo quản, liều lượng, cách dùng, vị trí, đường tiêm, cần lưu ý một số nội dung sau: + Thông thường vắc xin bảo quản ở nhiệt độ từ 2ºC đến 8ºC, tránh ánh sáng trực tiếp, không bảo quản đông lạnh. Vắc xin dạng dung dịch trước khi sử dụng phải lấy chai vắc xin ra khỏi nơi bảo quản, để ở nhiệt độ thường cho nhiệt độ chai vắc xin gần bằng với nhiệt độ bên ngoài, lắc kỹ chai vắc xin; vắc xin nhược độc dạng đông khô phải dùng nước sinh lý, hoặc nước pha kèm theo đã làm mát để pha. + Lưu ý vắc xin đã được pha, mở nắp chai chỉ được dùng trong khoảng thời gian theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Vắc xin chỉ được tiêm cho các loại động vật nuôi khoẻ mạnh, trường hợp động vật nuôi nghi ngờ mắc bệnh cần kiểm tra lâm sàng, thân nhiệt để phân loại trước khi tiêm. + Tiêm đúng vị trí, đúng đường tiêm, đủ liều, lứa tuổi theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin ghi trên nhãn chai hoặc tờ hướng dẫn kèm theo. + Không được sử dụng vắc xin bị đông lạnh, dung dịch không đồng nhất, lọ bị vỡ, rạn nứt, có dị vật hoặc hết hạn sử dụng. + Thu gom và tiêu huỷ toàn bộ vỏ chai lọ vắc xin và vắc xin dư thừa theo quy định. 5. Dụng cụ tiêm phòng - Dụng cụ tiêm phòng và các vật dụng liên quan phải được vệ sinh, vô trùng trước và sau khi sử dụng; kim dùng tiêm và kim lấy thuốc phải dùng riêng rẽ; không dùng chung một bơm kim tiêm cho 02 loại vắc xin trong quá trình tiêm. Không được dung chung kim tiêm cho nhiều hộ. - Sử dụng kim tiêm phù hợp: Tiêm bắp (trâu, bò dùng kim số 12, 16 dài; bê, nghé, lợn, và chó dùng kim số 12 dài; gia cầm dùng kim số 7, 9); tiêm dưới da (trâu, bò, bê, nghé dùng kim số 12 ngắn, 16 ngắn, 18G; lợn và chó dùng kim số 12 ngắn; gia cầm dùng kim số 7, 9); khuyến khích sử dụng bơm kim tiêm liên tục đối với tiêm phòng cho đàn gia cầm. 6. Cố định động vật Để đảm bảo tiêm vắc xin đúng liều lượng, đúng vị trí, tránh trường hợp tiêm vắc xin ra ngoài, thiếu liều hoặc không đúng vị trí theo chỉ định của nhà sản xuất làm ảnh hưởng đến chất lượng tiêm phòng cần phải cố định động vật nuôi để tiêm: - Đối với trâu, bò phải có gióng, giá, rặc, dây thừng, bắt mũi... để cố định chắc chắn; lưu ý: đối với trường hợp tiêm tại chuồng sau khi tiêm cần đánh dấu để phân biệt với con chưa được tiêm tránh bỏ sót, nhầm lẫn. - Đối với lợn có thể dùng ván ép vào góc chuồng, treo mõm hoặc phải có người bắt giữ cố định gia súc để tiêm; sau khi tiêm đánh dấu để phân biệt với con chưa tiêm tránh bỏ sót, nhầm lẫn. - Đối với gia cầm phải có người bắt giữ để tiêm; cần bố trí chuồng, quây nhốt riêng để tránh bỏ sót, lẫn lộn gia cầm đã tiêm và chưa được tiêm. - Đối với chó, mèo: Chủ hộ nuôi chó, mèo phải phối hợp hỗ trợ bắt, giữ (đeo rọ mõm cho chó, mèo) để nhân viên thú y thực hiện tiêm phòng vắc xin (tuyệt đối không được tự động đến gần và tiêm phòng khi chưa có sự hỗ trợ bắt giữ của chủ động vật nuôi). 7. Người trực tiếp tiêm phòng - Người trực tiếp tiêm phòng phải được tập huấn chuyên môn kỹ thuật về tiêm phòng và được cấp chứng chỉ hành nghề thú y theo quy định mới được trực tiếp tiêm vắc xin phòng bệnh cho động vật nuôi. Không giao vắc xin cho chủ động vật nuôi tự tiêm phòng (trừ các sơ sở chăn nuôi có cán bộ thú y đủ điều kiện để trực tiếp tiêm phòng theo quy định). - Ngoài ra, khi tổ chức công tác tiêm phòng cần bố trí thêm nhân lực thực hiện các công việc như: ghi chép, thống kê số lượng động vật nuôi tiêm phòng theo biểu mẫu; bắt giữ, cố định động vật nuôi để đảm bảo tiêm đúng liều, đúng vị trí,... * Riêng tổ chức tiêm phòng cho đàn trâu, bò: - UBND các xã lập các Tổ tiêm phòng để tổ chức tiêm theo nguyên tắc thực hiện tiêm phòng tại các hộ, thôn chưa có dịch trước, các thôn có dịch bệnh tổ chức tiêm sau cùng. - Các Tổ tiêm phòng phải được trang bị đầy đủ vật tư, dụng cụ và thực hiện nghiêm túc công tác đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch bệnh bao gồm: Chuẩn bị bình xịt hóa chất sát trùng; đầy đủ cơ số bơm, kim tiêm; hộp đựng vắc xin, bơm, kim tiêm chưa sử dụng và đã sử dụng riêng biệt (tuyệt đối không được sử dụng chung bơm, kim tiêm cho hộ khác nhau mà chưa được thực hiện vô trùng kỹ; trong trường hợp dùng hết cơ số bơm, kim tiêm đã chuẩn bị thì phải tổ chức vô trùng bơm, kim tiêm, dụng cụ tiêm phòng sau khi sử dụng phải được đun sôi ít nhất 05 phút mới được sử dụng lại; không được sử dụng hóa chất để sát trùng bơm, kim tiêm). Mặc đầy đủ bảo hộ lao động. Lưu ý: Cần thực hiện sát trùng bảo hộ lao động, hộp đựng dụng cụ trước khi ra, vào các hộ chăn nuôi. Thực hiện đảm bảo đúng quy trình, kỹ thuật tiêm phòng theo quy định. 8. Cung ứng vắc xin Để việc cung ứng vắc xin được thuận lợi, đầy đủ, kịp thời đề nghị Ủy ban nhân dân các xã có kế hoạch và đăng ký mỗi tuần, một lần trước 16h30 thứ Tư hàng tuần. 9. Quản lý, giám sát và báo cáo kết quả tiêm phòng - Bố trí cán bộ chuyên môn hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc bảo quản, quản lý, sử dụng, quy trình tiêm vắc xin...; để hạn chế động vật nuôi sốc phản vệ sau tiêm cần xác định tình trạng động vật, phải khỏe mạnh trước khi tiêm phòng; quản lý chặt chẽ động vật nuôi sau tiêm phòng để xử lý kịp thời các tình huống, sự cố có thể xảy ra; đồng thời, chuẩn bị các loại thuốc (Cafein, Atropin, Vitamin, Glucoza,...) để xử lý ngay khi động vật nuôi bị viêm, sốc phản vệ sau tiêm. - Cấp giấy chứng nhận tiêm phòng cho chủ động vật nuôi ngay sau khi tiêm xong (mỗi động vật nuôi cấp 01 giấy chứng nhận, đối với Lợn cùng một giống Lợn, độ tuổi, lứa nuôi từ 20 con trở lên có thể cấp 01 giấy/01 đàn; đối với gia cầm, mỗi loài, lứa nuôi cấp chung 01 giấy chứng nhận). Nội dung ghi trên Giấy chứng nhận tiêm phòng phải đầy đủ thông tin, đảm bảo phát đúng cho chủ động vật nuôi đã được tiêm phòng. - Lập danh sách tổng hợp động vật nuôi đã được tiêm phòng và chưa được tiêm phòng theo hộ, thôn xóm. Tổng hợp, báo cáo tiến độ thực hiện hàng ngày và gửi văn bản tổng hợp kết quả tiêm phòng về Trung tâm ứng dụng KHKT & BVCTVN huyện Kỳ Anh chậm nhất 05 ngày kể từ khi kết thúc mỗi đợt tiêm phòng để tổng hợp báo cáo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy ban nhân dân huyện. - Đối với vắc xin LMLM tiêm phòng cho đàn trâu bò: Thu hồi vỏ lọ vắc xin đã sử dụng, vắc xin dư thừa về UBND cấp xã, có sự giám sát của Trung tâm Ứng dụng Khoa học, kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện để quản lý, tránh thất thoát, lãng phí và xử lý sau đợt tiêm phòng theo quy định. Đề nghị Ủy ban nhân dân các xã tập trung tham mưu, hướng dẫn triển khai thực hiện kịp thời. /.